Vô hình và chiều không gian - Cư sĩ Đức Hạnh - Chùa Bát Nhã Bình Thạnh
Đọc tin nhanh:
Home » » Vô hình và chiều không gian - Cư sĩ Đức Hạnh

Vô hình và chiều không gian - Cư sĩ Đức Hạnh

Written By Phạm Thị on Thursday, March 1, 2012 | Thursday, March 01, 2012

Ảnh minh họa

Vô hình được cắt nghĩa là thân hình không phải bằng máu thịt, mà là bằng bảy nguyên tử rung động, hay nói khác hơn, do bảy quan năng không xúc giác, chỉ có cảm nhận của thức A-Lại-Da trong thân trung ấm rung động, đúng theo bản chất của thức A-Lại-Da là luôn luôn hằng chuyển trỗi dậy chuyển biến. Bởi tính chất rung động và chuyển biến này mà thân trung ấm bị chết đi, tỉnh lại từ một lần đến bảy lần do quả báo nghiệp nặng, nhẹ mà có, rồi sau đó nó tự chuyển đổi qua những sinh mệnh mới ở các cõi hay bị lưu lại tại các giai tầng của các loài A-tu-la, ngạ quỷ dưới địa ngục, ngạ quỷ tại không gian loài người, các loại yêu tinh, các loại ma trơi, ma xó, các loại âm hồn, cô hồn, các vong linh... Do bảy quan năng rung động của thức A-Lại-Da mà có các loài chúng sinh ở cõi dương và các loài chúng sinh ở cõi âm. Cả hai nơi âm dương đều có thân chúng sinh. Cho nên cõi âm có hình chứ không phải vô hình, nhưng hình mờ mờ như sương khói .

Đứng về mặt tư tưởng, chúng sinh ở cõi dương và cõi âm đều giống nhau ở sự rung động của bảy quan năng; một bên có xúc giác, một bên vô xúc, chỉ cảm nhận. Nhưng về mặt không gian thì khác nhau. Chúng sinh ở cõi dương trần trên mặt đất, dưới nước, v.v... sống trong ba chiều không gian rộng, hẹp là do bản thân hữu hình lớn, nhỏ. Vì do thân hữu hình mà có ba chiều không gian. Còn chúng sinh ở cõi âm, mỗi cá thể như vậy có nhiều chiều không gian do tâm ý mà có, cho nên cứ mỗi niệm khởi lên hướng về nhiều đối tượng; trong đó thương nhớ, luyến tiêc chức vị tiền tài, oán hận, thù hằn, ghen tuông, ganh tỵ, v.v... là một chiều không gian hiện hữu ra, rồi bao quanh bản thân, nếu không nói là mỗi chiều không gian là một loại địa ngục, một loại thân hình A-tu-la, ngạ quỷ, yêu tinh, cô hồn, âm hồn một cách liên tục và thay đổi tướng trạng, khi thì ngạ quỷ hực lửa, khi thì yêu tinh hung hãn, cô hồn cô đơn sầu hận, âm hồn ủ dột, rồi trở lại ngạ quỷ hực lửa... Tất cả đều do thức biến, chứ không phải do không gian hữu hình của cõi trần tạo nên. Sở dĩ mỗi cá thể trung ấm tự biến ra nhiều chiều không gian và nhiều thân hình cõi âm như vậy, là do khi còn sống trên đời, tâm ý đã thường rung động lên những ý niệm vô minh mang tính chất ô nhiễm của các loài trên, rồi ra đi hành động, gọi là tạo tác nghiệp. Những nghiệp vô minh ô trược đó đã được tích tụ trong nội thức A-Lại-Da.

SỰ LƯU CHUYỂN VÀ HÀNH ĐỘNG

Khi còn sống trên đời, mỗi cá nhân con người khi khởi lên ý niệm gì, hướng về đối tượng nào, ở đâu. Sau đó, thân liền đi hành động theo ý muốn. Nhưng bị giới hạn trong ba chiều không gian hữu vi, do đó phải sử dụng phương tiện bằng đôi chân, xe, tàu mới có thể đến nơi chốn đã định.

Qua bên kia cõi chết thì hoàn toàn khác hẳn. Cũng ý niệm mong muốn đi thăm bà con ruột thịt, đi trả thù, trả ơn, trách móc, ái ân ai đó, ở đâu. Mỗi lần khởi lên ý niệm như vậy tức khắc bản thân vô hình của các loài chúng sinh bên cõi chết liền hiện hữu đến ngay nơi chốn đã định, ngay đối tượng ước muốn một cách mau lẹ bằng một nháy mắt, xuyên suốt qua mọi chướng ngại ở cõi trần, dù cao như núi, kín cổng cao tường như lao tù, sâu thẳm dưới đại dương, cách xa hàng ngàn cây số... họ vẫn đi đến để thực hiện ý muốn bằng hành động vô xúc giác. Vì do vô xúc, mà tất cả những chúng sinh vô hình đều cảm thấy nhiều khổ đau, cô đơn, oán trách hận thù, luyến tiếc một cách triền miên bất tận trong lòng. Cứ mỗi lần tiếp xúc, nhưng bị vô xúc như vậy, thì những thứ địa ngục hiện ra, thân hình bị biến đổi từ yêu tinh thành ngạ quỷ, ngạ quỷ thành cô hồn, v.v... và từ nóng bức sang băng giá, băng giá sang nóng bức, từ bầu ánh sáng mờ qua tối đen, tối đen qua sáng mờ, từ lặng im sang lung linh chập chờn, rồi lại di chuyển đó đây không ngớt, đúng như lời kinh đã nói “Tâm là con vượn, con ngựa” (tâm viên, ý mã).

Tâm lăng xăng lúc sống đối với người không tu tập, chưa giác ngộ tỉnh thức, thì qua bên kia cõi chết còn lăng xăng hơn, bởi vì thân vô hình là thân của bảy quan năng kết hợp lại, mà bảy quan năng cũng là vô tướng, cho nên nó như là cái bóng, như là mây, như là khói. Nhưng nó có sức mạnh gọi là sức mạnh tâm linh, sức mạnh của thức. Sức mạnh tâm linh trong bản thân con người sống và thân vô hình bên cõi chết vẫn như nhau, không thay đổi. Con người khi còn sống, bản thân đã tạo tác ra những việc lớn lao như xẻ núi lấp sông, v.v... đều do ý thức khởi lên ý muốn. Bên kia cõi chết, các vong linh cũng khởi lên ý muốn đi thực hiện hành động trả thù, thương yêu, ái ân đối với người sống tại cõi trần, thì tức khắc hiện hữu và hành động vô xúc giác. Dĩ nhiên là vô xúc, chứ không phải xúc như hai người sống xáp nhau, ôm vật lộn nhau, xô xát đánh nhau. Phía người sống có xúc giác, phía các vong linh không xúc giác, nhưng cả hai sống chết đều có cùng tâm ý như nhau. Tâm ý người sống muốn gì, liền chỉ đạo cho thân hữu hình đi hành động. Tâm ý người chết (các vong linh, ngạ quỷ, yêu tinh, mà quái) muốn gì, liền chỉ đạo cho thân vô hình đi hành động. Hành động của các vong linh thân vô hình là bảy quan năng vô xúc giác trỗi dậy, chứ không có thứ nào khác hơn. Trỗi dậy sống động táo bạo hay êm đềm là do đối tượng là người sống. Nếu người thù thì sống động táo bạo, người yêu thì êm đềm. Qua đây cho ta thấy rằng những hành động xô xát ấu đả hay êm đềm của người sống đối với người sống, của những người vô hình (Atula, ngạ quỷ... ) bên cõi chết đối với người sống, đều do thức thứ bảy (Mạt-na) trỗi dậy hoạt động. Với người sống, sự hoạt động của Mạt-na khi tỉnh thức trong sinh hoạt hằng ngày, nào là giận hờn, đánh trả, yêu đương, mắng chửi, bực tức,... Và trong giấc ngủ, như thấy đau đớn do bị người khác đánh, bị đứt tay bởi con dao, bị vấp té, bị trúng đạn... hay bực tức giận hờn do nghe người khác mắng chửi, khóc lóc do gặp lại cha mẹ, người thân đã chết, v.v... hay thấy được vui sướng hạnh phúc khi thấy ái ân với người thân, người yêu. Hay thấy khoái lạc được uống ruợu, uống trà, v.v... Tất cả mọi cảm giác trên y như lúc thức.

Với người chết, (các vong linh, Atula, ma quỷ,... ) sự hoạt động của họ từ sinh động đến êm đềm, cũng đều do thức thứ bảy (Mạt-na) của họ trỗi dậy hành động. Với chúng sinh vô hình, thức thứ bảy (Mạt-na) của họ luôn luôn hoạt động còn hơn lúc sống trên đời. Hoạt động của họ bên cõi chết đều hướng về người sống ở cõi trần. Điển hình rõ nét qua một số câu chuyện các vong linh bên cõi chết hiện lên, hiện về đã được trình bày ở trước, chẳng hạn câu chuyện người con trai bị bà mẹ bên kia cõi chết hiện về tát tai và câu chuyện người đồ tể bị bầy gà đá vào mặt, v.v... Mặc dù hành động vô xúc giác đối với người sống, nhưng rất hữu hiệu, đối với người sống là mặt bị sưng, bị bầm, có vết tích rõ ràng. Trường hợp này là do sức mạnh của tâm thức ở mỗi bên người sống, người chết tác động vào nhau mà có vết tích sưng, bầm. Sự tác động này được ví dụ như hai luồng điện âm, dương, không thấy tướng trạng nhưng khi giao nhau thì xẹt ra lửa, nóng lên hừng hực ở lò xo bếp điện, dây tóc bóng đèn sáng lên. Một ví dụ khác là ánh nắng mặt trời không có hình thể, không rờ mó được, nhưng cảm thấy nóng dưới ánh nắng mùa hạ chói chang chiếu thẳng tắp vào thân ta. Hay ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua kính lúp sẽ làm cháy điếu thuốc, tờ giấy, v.v... Hai ví dụ ánh nắng mặt trời và dòng điện âm dương được biểu thị cho sức mạnh của bảy thức (bảy quan năng) mà cả hai người sống và chúng sinh vô hình nói chung, trong đó có cả vong linh súc vật là rắn, gà, heo, v.v... đều có, chứ không riêng gì vong linh con người mới có.

Bảy quan năng của người sống trong giấc ngủ bị bảy quan năng của người chết tác động vào nhau mà có ra những hiện tượng đau đớn, vết tích, buồn, vui, khổ, lụy, v.v... do đồng thể tính mê. Chỉ khác nhau về thân hữu hình, vô hình.

Trường hợp bảy quan năng của người sống trong giấc ngủ bị nghe, thấy các vong linh đến hành hung, đánh phá, chửi bới, tát tai, v.v... được xem là vô xúc. Bởi vì lúc bấy giờ trong giấc ngủ mà người sống cũng có lời nói, và hành động đối đãi lại từ êm đềm đến táo bạo đối với người chết (vong linh hay ma quỷ) trong lúc ngủ say hay chập chờn. Bảy quan năng dù có xúc hay vô xúc, không thành vấn đề. Vấn đề đáng nói, đó là sức mạnh của thức, mà bản tính của thức là mê (thức mê, trí ngộ). Thức bị mê là do nó chứa đầy nhiều quả báo nghiệp ác đang tích tụ trong A-Lại-Da thức khi con người sống. Sau khi chết, A-Lại-Da mang theo qua bên kia cõi chết. Do vậy mà những loài A-tu-la, ngạ quỷ, yêu tinh, ma quái, âm hồn, cô hồn bên cõi chết luôn luôn hoạt động không ngừng hướng về nhiều ngã, đa số là hướng về con người ở cõi trần. Điển hình là hàng ngàn âm hồn bầy gà luôn luôn hướng về người đồ tể đã giết chúng, để rồi một hôm gặp đủ nhân duyên, chúng họp nhau cùng đá vào mặt người đồ tể để báo thù. Đó là sức mạnh của thức, tức là sức mạnh của nghiệp ân oán, hận thù về phía bầy gà. Nghiệp quả ác về phía người đồ tể là mục tiêu định hướng của các âm hồn bầy gà, cho nên khi gặp nhau thì sanh ra quả, đó là những  hiện tượng sưng mặt, vết lằn ửng đỏ và đau rát một cách hiện thực trên gương mặt như hai dòng điện gặp nhau cho ra lửa. Và câu chuyện tương tự “người mẹ hiện về tát tai đứa con trai”.

Qua một số câu chuyện giữa người sống và chúng sinh vô hình (thánh, thần, ma, quỷ, yêu, tinh) đối với người sống trong đối đãi mà có ra những hiện tượng thực thể như đã nói ở những trang trước, được chứng minh rõ nét về đời sống của các loài chúng sinh vô hình ở cõi âm là có thật rõ ràng; từ hình tướng dù mờ đục, cho đến không gian tự thể và sự di chuyển đó đây một cách xuyên suốt theo quy luật tự nhiên của vô hình.

Sự xuyên suốt và không trở ngại đó, không phải là thần thông biến hóa, mà là do cái lực rung động của bảy quan năng trong thức A-Lại-Da trỗi dậy. Hay nói khác hơn, do cái lực của các chủng tử nghiệp báo chuyển biến làm cho bản thân vô hình hiện hữu đó đây. Tuy nhiên bị giới hạn trong vòng cương tỏa của bầu ánh sáng vô minh, ô trược. Qua đây ta có thể hình dung bản thân chúng sinh vô hình như là trái cầu tự xoay tròn có rung động và di chuyển đến các đối tượng của nó hướng đến, mà cái trục xoay, chính là thức A-Lại-Da vô minh là chủ tể chỉ đạo cho hai thứ xoay vần ấy.

Sự xoay vần và di động ấy, không thể di chuyển đến cõi thiên đàng, cực lạc dù đem tâm nghĩ về cực lạc, thiên đàng, bởi vì khối vô minh, ô nhiễm trong bản thân là lá chắn ngăn cản. Nhưng nếu đem tâm nghĩ đến chư Phật, Bồ Tát với ý niệm ăn năn sám hối một khi bắt gặp nhân duyên Phật pháp qua các nghi lễ cầu siêu, thì chư Phật, Bồ Tát sẽ hiện đến cứu bạt cho thoát kiếp ma, quỷ, yêu tinh, âm hồn, cô hồn theo quy luật có cảm có ứng. Nhưng tâm thức của các loài chúng sinh vô hình ấy có đủ sáng suốt để nghĩ đến chư Phật, Bồ Tát trong lúc đó hay không! Hay chỉ lo ôm cái chức tước, danh vị, tiền tài, ngựa xe, kẻ yêu, người ghét, kẻ hận, người thù của quá khứ đang tiếp tục hiện ra trong bầu ánh sáng mờ đục nóng bức và giá băng cực độ. Bầu ánh sáng cũng chính là bản thân vô hình. Bản thân vô hình cũng chính là căn nhà. Căn nhà xây dựng bởi nhiều chất liệu nghiệp quả ác, cho nên căn nhà cứ thường luôn bị biến đổi qua nhiều tính nóng, lạnh và các hình tướng địa ngục, lửa đỏ, nước sôi, v.v... trong căn nhà, tức là trong các loại thân Trung ấm, âm hồn, cô hồn, ma quái, yêu tinh, ngạ quỷ.

THỂ VÍA
Những tư tưởng ô trược đối với các loại chúng sinh vô hình bên cõi chết là điều tất yếu không thể tránh khỏi, cho nên cõi âm là cõi của tư tưởng mờ ám và ảo vọng, thì người của cõi âm được cấu tạo bằng tư tưởng ô trược. Do vậy mỗi bản thân chúng sinh vô hình ở cõi âm đều có cái thể vía. Vía chính là sự rung động của tư tưởng vô minh, ô trược. Vía còn có nghĩa là căn tính. Căn tính là biểu thị cho chất ô trược vô minh đang trụ địa trong thức A-Lại-Da. Căn tính nhiều vô minh ô trược, thì tư tưởng rung động (vía) nặng nề, gọi là vía nặng. Ngược lại vía nhẹ là căn tính ít ô trược, thì tư tưởng rung động nhanh.

Sống trên đời , ai là người có vía nặng, vía nhẹ sẽ được đo lường qua sự có mặt đầu tiên vào tiệm buôn hay tiệm ăn, dù có mua hay không mua hàng trong giờ mở cửa sẽ được thấy ngay. Người vía nhẹ, sau khi vào mua hàng xong, ra về, thì tiệm đó được nhiều khách vào liên tục suốt ngày. Người có vía nặng vào trong giờ tiệm mở cửa đầu tiên, dù có mua hay không, sau khi đi ra, thì tiệm đó bị ế ẩm suốt ngày.

Bản thân con người được cấu tạo bởi bốn thứ đất, nước, gió, lửa. Bốn thứ này được tựu trung ba thể đặc, lỏng và hơi. Thể đặc là thịt, xương. Thể lỏng là máu và các thứ nước từ 9 lỗ của thân thể tiết ra. Thể hơi là hơi thở, nóng và lạnh ở bản thân. Ba thể đặc, lỏng và hơi đều có đủ trong bản thân con người dù béo mập hay gầy ốm. Cho nên thể vía nặng nhẹ không phải do cơ thể mập béo, ốm gầy, mà là do tâm thức có ít, nhiều chất vô minh ô nhiễm. Tâm nhiều vô minh ô nhiễm, thì sự rung động của tư tưởng nặng nề, trì trệ, chậm hiểu. Tâm ít ô nhiễm thì sự rung động của tư tưởng nhanh nhẹn, nhạy cảm, mau hiểu.

Do các ô nhiễm trong nội thức A-Lại-Da mà con người đang sống, cũng như đã qua bên kia cõi chết đều có thể vía ô trọc (nặng) và thanh nhẹ. Thể vía có trong tất cả giai cấp xã hội con người, từ vua, quan, tể tướng, xuống đến các thứ dân sĩ nông, công, binh và các giai cấp trí thức: tu sĩ, bác sĩ, dược sĩ, giáo sư, văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ... Nhưng khó thấy thể vía vì nó ẩn tàng trong nội thức A-Lại-Da. Tuy nhiên được thấy rõ, khi nó hiển lộ ra ngôn ngữ và hành động ô trọc hay thanh tao, nhẹ nhàng. Cho nên thể vía không có giai tầng trong các giai cấp xã hội con người nói trên. Nhưng qua bên kia cõi chết, thể vía của tất cả con người trong mọi giai cấp nói trên bị thanh lọc một cách riêng lẻ qua sáu giai tầng một cách bình đẳng theo định luật nhân quả, nghiệp báo ác ít hay ác báo nhiều. Vì giai tầng cư trú của các loài chúng sinh vô hình bên cõi chết là thuộc hệ tư tưởng, chứ không phải hệ của thể xác ở danh vị, chức tước quan quyền, tướng này tướng kia, sĩ kia sĩ nọ như tại cõi trần hữu hình.

TẠP CƯ CỦA CÁC LOÀI CHÚNG SINH
Kinh Phật có thuyết minh về Tam giới, tức là ba cõi của chúng sinh còn bị chi phối bởi sinh tử và luân hồi. Ba cõi đó là cõi dục (dục giới), cõi sắc (sắc giới) và cõi vô sắc (vô sắc giới).

Chúng sinh trong cõi dục gồm có: Người, Atula, Ngạ quỷ, Súc sinh và sáu cõi Trời Lục Dục, gồm có Trời Tứ Thiên Vương, Đạo Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại.

Loài Trời trong sáu cõi Trời Lục Dục, mặc dù họ cùng trong cõi dục với cõi người, nhưng họ có hành tinh riêng, không cư trú chung với loài người tại trái đất. Duy chỉ có các loài Atula, Ngạ quỷ (yêu tinh, ma quái, âm hồn, cô hồn), súc sinh không có hành tinh riêng, ở chung trái đất với loài người.

Các loài Trời, tuy rằng họ có hành tinh riêng, nhưng họ ưa xuống cư trú tại cõi người (thời gian ngắn) một cách ngang nhiên với nhiều mục đích, trong đó có sự phô trương một vài thần thông của các loài Trời, nhất là Thiên Ma Ba Tuần ưa thi thố với các loài Atula (Thánh, Thần, Tiên) tại biển, trên núi. Bởi vì bản chất của các loài Trời nói chung trong ba cõi, nói riêng ở sáu cõi Lục Dục còn tính hữu ngã. Cho nên ngoài việc phô trương thần thông, các Thiên Ma Ba Tuần còn trừng phạt, tiêu diệt con người nếu sinh tâm ngã mạn tự đắc về khả năng, đức độ của mình một khi chưa có đủ, mà không chịu cầu xin van vái đến họ (Thiên Ma), mà chỉ van vái đến Phật, Bồ Tát, Thánh, Thần, Tiên, tức khắc họ liền đánh phá ngay. Bên cạnh đó cũng có những vị Trời cao hơn tình nguyện xuống cõi người bằng nhiều cách như hiện ra thân vô hình (điều này ít có) hay tái sinh làm người cõi trần (phổ biến) để hộ giúp xã hội con người được tiến lên ngôi vị tinh thần về Phật đạo, Thiên đạo, Nhân đạo và tiến lên những nấc thang vật chất về khoa học kỹ thuật để cho con người được có một đời sống nhiều tiện nghi, hạnh phúc, an vui. Từ đó cho ta thấy rằng, ngoài những Bồ Tát ra, có những thánh nhân như Lão tử, Khổng tử, các vị vua nhân từ, đạo sĩ, bác học... chính là những bậc Trời từ các cung Trời xuống thế gian để giúp nhân loại.

Một số loài Trời ưa có mặt tại cõi người và các loài Atula, Ngạ quỷ và Súc sinh ở chung với con người tại trái đất, cả thảy là năm loài, đúng như lời kinh nói: “Ngũ thú tạp cư địa”.

Qua lời kinh Phật thuyết minh về sáu cõi Trời Dục giới nói  riêng, Tam giới nói chung và Ngũ thú tạp cư tại cõi người như đã trình bày trên, cho ta thấy rằng Thiên đàng và loài Trời không phải ở trong tầng mây, mà ở tại các hành tinh của họ y như con người ở tại trái đất vậy, đúng như những nhà khoa học không gian đã tìm thấy có vô số hành tinh lớn, nhỏ trong hư không vô tận. Và cũng như địa ngục không có trong lòng đất, mà có ngay trong lòng những chúng sinh vô hình là Ngạ quỷ, yêu tinh, ma quái, âm hồn, cô hồn bên cõi chết tự tạo ra để trừng phạt mình bởi do quả báo ác nghiệp của mỗi cá thể chúng sinh đó, chứ không phải do Phật, Trời nào tạo ra. Cho nên ba đường ác: Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh, không những chỉ có riêng tại cõi người, mà có cả tại các nơi như trong núi Thiết Vi, Châu Diêm Phù, v.v... Riêng về Súc sinh, theo kinh Pháp Niệm nói có đến bốn mươi ức (bốn tỉ) loại Súc sinh từ địa ngục lên đến các cõi Trời. Cũng như loài Ngạ quỷ, không riêng ở cõi người, ở địa ngục, mà có cả tại cõi Trời. Ngạ quỷ tại cõi Trời chính là các binh lính, các tôi tớ của chư Thiên cõi Trời, như loài Dạ Xoa, La Sát, Kim Cương Thần, v.v... kể cả các nhạc thần như Ma Hầu La Già hay Kiến trúc thần như Ma Hê Thủ La đều là các Ngạ quỷ chuyên nghiệp cho cõi Trời. Vì chuyên nghiệp và tinh khôn nên được gọi là quỷ thần.

Các loài chúng sinh tạp cư chung không gian với loài người tại trái đất, trong đó muôn loài súc sinh nói riêng tại cõi người từ lớn cho đến nhỏ cùng hít thở không khí. Riêng các loài súc vật lớn như trâu, bò, ngựa, voi, v.v... được đi chung con đường, tắm chung một dòng sông với con người và chiếm lấy một khoảng mặt bằng nho nhỏ trong việc mưu sinh và an nghỉ.

Riêng về các loài chúng sinh vô  hình: Atula nhân, Ngạ quỷ, âm hồn, cô hồn chung không gian với con người, đều có mặt khắp nơi, từ trong nhà, cây đa, bụi rậm, thung lũng, đỉnh núi, bờ sông, ven rừng, ven biển, góc tường, đường lộ, gốc cây, v.v... chỗ nào cũng có, nhưng không được hít thở không khí như con người, như các loài Súc sinh.

Chúng sinh vô hình chung không gian với loài người được cắt nghĩa là sự có mặt của tư tưởng mang nặng nhiều tính chất luyến tiếc danh vị chức tước ở quá khứ, tiền tài bị bỏ lại, luyến ái con cháu, người yêu, trả thù, trả oán...  của mỗi cá thể vô hình đang hướng về cõi người, do vậy không gian trái đất loài người là sở trụ của chúng sinh vô hình, nhưng không phải chạm mặt đất, hay chiếm lấy một khoảng mặt bằng cố định, mà là xuyên suốt bập bềnh, ẩn hiện lờ mờ đó đây khi bảy quan năng vô tri giác của họ vùng lên cực mạnh. Cho nên an trú ở các nơi tàng cây, hóc đá, hang động, mỏm núi, góc tường, nhưng không bị các nơi hữu vi trên ngăn cách, chi phối, cản trở, đều xuyên suốt riêng biệt trong bầu ánh sáng u tối. Nếu không nói là đông đúc, dày đặc như bụi trần, la liệt khắp không gian trên, dưới, ngang, dọc đó đây. Chỗ nào cũng có vô số vong linh Atula, Ngạ quỷ, Yêu, Tinh, âm hồn, cô hồn được xuất thân từ con người giàu, nghèo, trí thức, vua , quan, hạng sĩ và bình dân vốn đã tạo ra các nghiệp vọng thức như đã nói ở trên khi còn sống tại cõi người. 


Trong vô số lượng chúng sinh vô hình tạp cư bên cõi chết, trong đó không riêng gì vong linh trung ấm con người, mà có cả vong linh trung ấm của muôn loài súc sinh nhỏ, lớn tại trái đất này, trên khô, dưới nước, đều tạp cư bên cõi chết sau khi bản thân hữu hình bị chết đi. Do vậy chỉ trong một nháy mắt, bên cõi chết tiếp nhận vô số lượng, hằng tỷ tỷ vong linh trung ấm con người và muôn loài súc sinh lớn, nhỏ khác nhau. Qua đây cho ta thấy rằng, vong linh trung ấm bên cõi chết lúc nào cũng có mới. Mới, là từ cõi người qua trong thời gian nằm chờ thác sinh đến môi trường mới không nhất định phải đúng là bảy tuần; có thể vài hôm, một hay hai tuần... đã ra đi thác sinh. Với vong linh trung ấm, dù nhỏ như loài kiến, phù du... , lớn như con voi, cá voi, trâu, bò, heo, ngựa, chim ưng,... và con người già hay trẻ con, hài nhi... tất cả đều cùng một hình tướng của một đứa trẻ lên 15, 16 và thể tính như nhau, đó là ấm (tối tăm, u ám).

Vong linh trung ấm mới mà không bị, không được thác sinh vào môi trường mới, thì nằm lại do nghiệp lực được phát sinh từ ý thức, nếu không nói là tâm tư hoài vọng, thương (yêu), luyến tiếc, oán hờn về quá khứ. Cho nên vong linh con người và súc sinh bên cõi chết ra đi thác sinh cũng nhiều và ở lại cũng không ít. Một khi bị ở lại, thân trung ấm tự thác sinh tại chỗ làm kiếp Atula, loài Ngạ quỷ, yêu tinh, âm hồn, cô hồn (ma) theo quy luật nhân quả. Từ quy luật nhân quả, vong linh trung ấm tự thác sinh qua các loài chúng sinh hữu hình. Từ hữu hình bị chết đi, tự thác sinh thân trung ấm, thân trung ấm tự thác sinh thân ngạ quỷ, yêu tinh... Cứ như thế mà luân hồi lên, xuống. Chẳng hạn bà Hy Thị là vợ của vua Lương Võ Đế có tâm nham hiểm, độc ác lúc còn sống, do vậy sau khi chết, vong  linh trung ấm của bà bị thác sinh làm thân con rắn mãn xà tanh hôi. Sau đó thân rắn mãn xà bị chết đi, vong linh trung ấm mãn xà tự thác sinh làm thân ngạ quỷ tinh khôn (yêu tinh) hiện lên hằng đêm với tiếng than khóc theo quy luật nhân quả, chứ không phải từ thân rắn hữu hình tự biến ra thân yêu tinh vô hình.

Những vong linh không thác sinh vào các cõi Phât, Trời, cõi người, Atula ở núi Tu Di, súc sinh tại cõi người, Ngạ quỷ ở địa ngục trong núi Thiết Vi, thì nhất định phải thác sinh vào các loài Atula, Ngạ quỷ, yêu tinh, ma trơi, âm hồn, cô hồn tại không gian loài người theo nghiệp của vọng tâm (sẽ nói ở đề tài giai tầng). Một khi các vong linh lưu lại cõi người như vậy, mỗi vong linh tự xây dựng cho mình một căn nhà vô hình, tức là bầu ánh sáng bằng chất liệu tư tưởng. Chất liệu đó là gì? Như đã nói, đó là tâm vọng, vọng nhiều thứ, mỗi cá thể vong linh có vọng khác nhau, được điển hình rõ nét qua những câu chuyện được nói ở trước, như: Bà mẹ hiện về tát tai...; một nữ sinh Đà Nẵng...; bị chết oan hiện về khiếu nại...; bị chồng đâm chết hiện về báo cho quan phủ...; hai vong linh người Thượng...; Triệu Thố bị viên án xử oan v.v...

Đời là cõi mộng, hay nói khác hơn đời là cõi vọng, cho nên con người trong mọi giai cấp xã hội đều có tâm vọng, có tôn giáo vẫn còn vọng. Một người giàu ở cạnh người nghèo có tâm vọng của kẻ giàu, người nghèo có tâm vọng của người nghèo. Hai người chung nhà, mỗi người có tâm vọng khác nhau gọi là “đồng sàn dị mộng”. Từ đó cho ta thấy rằng con người trong mọi giai cấp, mặc dù tạp cư trên một vùng đất tỉnh  hay quận, nhà nhà san sát nhau, nhưng tư tưởng cách biệt nhau. Tuy nhiên giai cấp nào gần gũi giai cấp đó, nhưng tâm vọng vẫn khác nhau. Tức là cùng thể vọng, nhưng cách vọng và đối tượng vọng thì khác nhau, giống như các loại nước ngọt. Có loại màu vàng sậm do chất cam, có loại màu nâu do chất táo, có loại màu đen do chất nho đen, v.v... Nhưng tất cả có cùng chung thể lỏng là nước.

Cũng như vậy, qua bên kia cõi chết, mặc dù tất cả vong linh, âm hồn, cô hồn, ngạ quỷ, đều tạp cư chung đó đây tại không gian cõi người, đó là cùng thể vọng, nhưng bầu ánh sáng có màu u ám như thế nào (lục mờ của Atula, đỏ mờ của các loại ngạ quỷ yêu tinh) của mỗi loài vô hình có tính cách riêng biệt, tức là của ai nấy ở, thật là cô đơn, không ở chung chạ trong bầu ánh sáng của nhau, không bao giờ loài Atula gần ngạ quỷ, âm hồn không gần yêu tinh v.v... Đó là những cách vọng và đối tượng vọng. Do cách vọng và đối tượng vọng, mà bị thác sinh thân chúng sinh vô hình ngạ quỷ, âm hồn hay yêu tinh... Cách vọng và đối tượng vọng của các loài chúng sinh vô hình đã có ngay tại cõi trần lúc còn sống trên đời, mặc dù họ gặp nhau, trí thức gặp trí thức, giàu gặp giàu, nghèo gặp nghèo, sĩ gặp sĩ... và giao tế trong cộng đồng. Nhưng mỗi người có cách vọng và đối tượng vọng khác nhau trong tâm. Đó là về lãnh vực tư tưởng vọng không chung chạ nhau. Nhưng về lãnh vực vật chất thể  xác, thì con người có thể lấy nhau, ở chung nhau, sanh con đẻ cái, đánh nhau, ôm vật nhau. Qua bên kia cõi chết thì hoàn toàn không ai có thể bước vào bầu ánh sáng của nhau, không lấy nhau do không bộ sinh dục, mặc dù có tướng nam (quỷ đực) tướng nữ (quỷ cái) và không có 9 lỗ cơ quan bài tiết sinh vật lý, chỉ có ý niệm về dâm dục, cho nên không có sanh con, quỷ cha, quỷ mẹ, quỷ con, quỷ cháu, ma cha, ma mẹ, ma con v.v... Tuy nhiên giai tầng nào gặp giai tầng đó trong giao cảm; quỷ gặp quỷ, cô hồn gặp cô hồn, vong linh quyến thuộc gặp nhau, yêu tinh gặp yêu tinh, v.v... Điển hình rõ nét, một con quỷ ốm gầy gặp con quỷ mạnh hơn tại cầu xí, thì con quỷ mạnh hơn lấy gậy đánh vào đầu con quỷ gầy ốm vì tranh nhau phẩn (Lương Hoàng Sám – phẩm Diễn Đạt Quả Báo – trang 2004).

Gậy mà con quỷ mạnh hơn cầm đánh con quỷ gầy ốm, cũng chỉ là do thức biến ra, do ý nghĩ sát phạt khi sinh khởi tâm ganh tỵ, sân hận, giận dữ, chứ không có thật như loại gậy bằng gỗ, bằng sắt hữu hình. Cho nên con quỷ ốm gầy cảm thấy bị đánh bằng gậy, bị đau đớn... là do thức của nó tiếp nhận cái thức của con quỷ kia. Cả hai sức mạnh của thức gặp nhau mà sanh ra quả vô hình. Từ đó cho ta thấy cơm mà tôn giả Mục Liên đem dâng cho mẹ là bà Thanh Đề cũng do thức biến chứ không phải thứ cơm hiện thực. Nhưng bà Thanh Đề không ăn được là do sức mạnh của lòng tham trong ý thức bà Thanh Đề biến ra thành lửa.

Cư sĩ Đức Hạnh - Lê Xuân Ký

Share this article :

0 comments:


Tiếp sức mùa thi 2014

Welcome to Bat Nha Gia Lam

HT. Thích Đạt Đạo nhận bằng tiến sĩ

Hình ảnh lễ Quy Y Tam Bảo

Hoạt đông của Hội Từ Thiện

Âm nhạc Phật Giáo trực tuyến


Nhạc niệm A Di Đà Phật

Doanh nghiệp tài trợ

ParkSon - Thiên đường mua sắm
Thép Toàn Thắng - Niềm tin của mọi công trình
Công ty CP XNK Thiên Nam
Trà Lá Sen - Cty Tâm Thảo

Đăng ký theo dõi Website

172548
 
Biên tập: HT.Thích Pháp Không
Thiết kế và cập nhật: Nhuận Trí Lưu - Nhuận Huệ Ngọc
Hosting - domain: Clb IMV and Tin Nhanh Trong Ngày