Mùa xuân - mùa tu - mùa hoằng pháp - HT. Thích Đạt Đạo - Chùa Bát Nhã Bình Thạnh
Đọc tin nhanh:
Home » , » Mùa xuân - mùa tu - mùa hoằng pháp - HT. Thích Đạt Đạo

Mùa xuân - mùa tu - mùa hoằng pháp - HT. Thích Đạt Đạo

Written By Triệu Hoàng Tình - Chuyên gia nhân hiệu on Sunday, March 17, 2013 | Sunday, March 17, 2013

Mỗi năm, tạo hóa sắp xếp cho con người sống trên hành tinh này có một mùa xuân. Sau những tháng mùa đông lạnh lẽo, băng giá là mùa xuân tươi đẹp. Cây cối nảy lộc, đâm chồi, đơm hoa, khoe sắc. Khí trời rạo rực, lòng người rộn ràng, niềm tin phơi phới. Bỏ bao lo lắng nhọc nhằn, vất vả quanh năm để hưởng những ngày nghỉ ngơi an nhàn, vui vẻ. Vào mùa xuân và nhất là những ngày Tết, người Phật tử nói riêng và người dân nói chung đều có lòng thành hướng về cội nguồn, tổ tiên và hướng về tâm linh. Mỗi đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đông đảo Phật tử và đồng bào không phân biệt già, trẻ, trai, gái, độc thân hay có gia đình đều nô nức đến chùa lễ Phật, xin lộc đầu năm. Khắp các miền đất nước từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ đất liền đến các hải đảo xa xôi… nhân dân háo hức đến chùa cầu tài, cầu may mắn, cầu gia đạo bình an, cầu đất nước thanh bình, cầu nhân dân ấm no hạnh phúc . Trong 3 ngày Tết và cả Tháng giêng, Phật tử và người dân tiếp tục hành hương ‘thập tự” (mười chùa) để cúng dường, bố thí, phóng sinh, từ thiện nhằm tạo phước đức để mong có cuộc sống an nhàn, công việc làm ăn thuận lợi, hanh thông, thịnh vượng. Thật là không có ở nơi đâu có một nét đẹp văn hóa vào mùa xuân như thế. 



Dù cho trong số những người đi chùa lễ Phật có mục đích cầu điều may mắn, phước lành cho cá nhân, chúng ta vẫn thấy ở đây thể hiện một nét son văn hóa. Đó là nét đẹp hướng về điều thiện, điều lành. Những người đi chùa, cầu phước báu, cầu may mắn thì trước tiên bản thân họ cũng chú tâm hướng về một đấng từ bi. Khi họ thấp hương, dâng hoa, quỳ lạy, khấn nguyện thì tấm lòng của người ấy đã hết lòng hướng về đức Phật, họ tin rằng Phật sẽ ban cho những điều may mắn, lợi lộc. Từ đó, trong tư tưởng, họ nghĩ ngay đến những người bất hạnh. Họ mang những đồng tiền mà họ làm ra từ công sức của mình để chia sẻ cho những người khốn khó. Từ suy nghĩ (ý) họ chuyển thành hành động (thân) bố thí, quả thật những người ấy dù đã chưa quy y tam bảo, thọ ngũ giới thì hành động của họ cũng đã làm cho họ trở thành Phật tử rồi vậy.

Những người dân đi lễ chùa, làm việc thiện trong suốt Tháng giêng, không ít người chưa phải là Phật tử. Thế nhưng, không ít người cũng phát nguyện ăn chay trong ngày Mùng 1 Tết. Họ quan niệm “Ăn chay quanh năm cũng không bằng ăn chay ngày Mùng một”. Vì sao ? Vì ngày Tết nhà nào cũng ê hề thịt, chả, gà, vịt… đủ món hấp dẫn kích thích lòng ham muốn món ăn ngon miệng. Thế mà các vị này cương quyết giữ lòng lành, kiêng món mặn. Quả thật là cam đảm vượt qua cám dỗ. Dù chỉ cố gắng trong một ngày, nhưng chính việc ăn chay trong ngày Mùng một là đốm lửa đầu tiên của lòng nhân ái, từ bi. Nếu chúng ta biết duy trì đốm lửa ban đầu đó, chẳng mấy chốc khi gặp cơ duyên sẽ trở thành ngọn lửa lớn, làm cháy lên lòng hướng thiện, những vị ấy sẽ trở thành Phật tử chính thức, chân chính và thuần thành. Có nhìn thấy những người dân chưa là Phật tử chuẩn bị tiền lẻ để bố thí, nhìn những người trẻ tuổi rụt rè mua những lồng chim trước cổng chùa để phóng sinh, nhìn những em bé đứng khép nép bên mẹ, khẻ khàng trao những đồng tiền cho người tàn tật xin ăn… mới thấy việc thực hành tu theo pháp Phật mạnh mẽ như thế nào trong những ngày lễ hội mùa xuân.



Trong ngày Tết và những ngày đầu xuân, ra đường dù gặp người thân quen hay là người chưa hề biết, ai ai trước hết cũng nhoẻn miệng cười, tiếp đó là một lời hết sức ái ngữ :” Chúc mừng năm mới, hạnh phúc, phát tài”, và người kia đáp lại cũng không kém phần ái ngữ :” Dạ, cám ơn, chúc năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn thịnh vượng”. Quả thật, ngày Tết, ai ai cũng dành lời tốt đẹp cho nhau.

Nếu suốt cả 12 tháng trong năm, người dân, người Phật tử tiếp tục trao cho nhau lời ái ngữ, không nói mích lòng nhau, không dèm pha chê bai nhau thì làm sao sinh lòng sân hận, thù ghét nhau. Khi mà mọi người sống với nhau, đối đáp với nhau bằng ái ngữ (khẩu) thì trong trong tâm trí (ý) phải có sẳn sự an lạc, sự buông xả, không cố chấp. Khi ý tốt, khẩu tốt thì thân không bao giờ hành động xấu cả. Như thế thì “Thân, Khẩu, Ý” đều thiện thì đã là TU rồi vậy.

Ảnh tu học tại Chùa Bát Nhã

Các chùa, các tự viện, tinh xá, tịnh thất… nơi thờ cúng Phật là nơi mà Phật tử và người dân đến lễ bái đầu năm và cả mùa xuân. Các thầy, các sư, các ni cô là những sứ giả Như Lai, là hiện thân của Phật, là những người đã nhận ra chân lý giải thoát, “dứt ái, ly gia” vào chốn thiền môn tu học nhằm “tự giác và giác tha”. Sứ mệnh của các tăng sĩ là “hoằng hóa, độ sinh”. Việc hoằng hóa của chư tăng ni là bổn phận, là nghĩa vụ thiêng liêng cao quý. Do đó, nhân mùa xuân, ngày Tết, chư tăng cần phát huy “thời cơ” đông đảo Phật tử và người dân đến chùa để hoằng pháp, giúp cho người dân ngày càng tiếp cận “”ánh sáng chân lý” của “đạo giải thoát”. Việc hoằng pháp trong ngày đầu xuân thật là đa dạng, phong phú. Nhiều vị trụ trì rất sáng tạo thu hút nhiều Phật tử tham gia và hưởng ứng, đến nay chưa có một hội thảo nào để tổng kết về kinh nghiệm “Hoằng pháp mùa xuân”. Điểm qua một số việc làm của các chùa trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy một số hình thức rất hay và rất có ý nghĩa hoằng pháp trong dịp mừng năm mới và mùa xuân.

Một là hãy chuẩn bị khung cảnh chùa tươi đẹp, thoáng đản, thân thiện và linh thiêng để thu hút các Phật tử cùng người dân đến chùa để trước là “Lễ Phật, cầu may”, sau là vãng cảnh hưởng thú an nhàn, tịnh tâm…

Hai là chuẩn bị nhân sự tiếp đón ân cần và chu đáo, đón Phật tử và người hành hương đến chùa như đón người thân từ xa mới về. Thái độ trọng thị khi mời nước, mời vào viếng chùa, hướng dẫn vào chánh điện, đốt hương, thỉnh chuông khi Phật tử lễ Phật là dấu ấn cho Phật tử và người hành hương về tính cách của tăng ni, là cơ sở để họ có cái nhìn đúng đắn và đầy thiện cảm về giáo lý Phật đà.

Ba là chuẩn bị tri khách thật tốt. Tùy hoàn cảnh của mỗi chùa mà chuẩn bị sẵn nước uống, bữa cơm chay thanh đạm. Chính bữa cơm chay tại chùa là bước khởi đầu cho những người hành hương chưa là Phật tử biết thế nào là ăn chay, biết khởi tâm từ bi thương xót chúng sinh.

Bốn là chuẩn bị lộc đầu năm. Món quà đầu năm là lời chúc tốt đẹp và một bài kệ trong Kinh pháp cú sẽ là lời đoán “vận hạn”, là lời chúc phúc mà Phật tử nào cũng háo hức đón nhận.

Năm là thầy, sư trụ trì lên lịch thuyết giảng, pháp thoại ngắn (khoảng 30 phút) để trao đổi về giáo lý cho Phật tử và người hành hương hiểu biết nhiều hơn về Phật pháp.

Sáu là tranh thủ phát hành ấn tống kinh sách, đĩa pháp thoại. Trước Tết nên có phát động Phật tử của chùa phát tâm ấn tống kinh, đĩa để phát hành miễn phí vào dịp lễ hội đầu năm.

Bảy là tổ chức phòng triển lãm tranh hay hình ảnh về cuộc đời của đức Phật Thích Ca tại phòng khách hay phòng ăn của chùa để Phật tử tranh thủ xem, đọc, nhớ lại những quảng đời tìm đường giải thoát, giác ngộ, chứng đạo, hoằng pháp của đức Phật để Phật tử luôn nhớ ơn và tôn kính Phật.



Tám là tùy hoàn cảnh chùa, trụ trì nên tổ chức các chuyến hành hương để Phật tử đưa con em trong gia đình đi chùa, đi hành hương chùa xa cảnh đẹp để thực hiện “Phật hóa gia đình” vì hiện nay, không ít gia đình có người lớn tuổi đi chùa mà con cháu là thanh thiếu niên chưa tha thiết lắm khi đi chùa.

Chín là các trụ trì nên tạo được mối gắn bó với các Phật tử, nên có danh thiếp của chùa để tiên việc thông tin. Các tăng sĩ cũng cần quan niệm ngoài việc truyền giảng giáo lý Phật đà, các vị cũng nên là người “tư vấn về tâm lý, tâm linh”, nhiều Phật tử hay chưa Phật tử khi gặp khó khăn, có việc hữu sự mà có sẵn danh thiếp của chùa, của vị trụ trì thì chắc chắn họ sẽ gọi đện thoại để xin “tư vấn” “giải bày”, “xin một lời khuyên”, và khi đó, nếu vị tu sĩ giúp họ vượt qua khó khăn, họ sẽ tin tưởng và họ sẽ đến chùa để xin quy y tam bảo.

Hoằng pháp, tu học là chuyện cả năm, cả đời. Tu học không thể ngắt ra từng đoạn mà phải liên tục. Nhưng xét thời gian trong cả năm thì mùa xuân là mùa có nhiều thuận lợi. Vì thế, nếu biết phát huy lợi thế của mùa xuân, việc hướng dẫn phật tử và người dân đến với đạo Phật có nhiều thuận lợi. 

Vài hàng tâm sự đầu năm, mong được góp phần chút ít vào công việc “hoằng hóa độ sinh”. Khi Phật giảng cho Vua Ba-tư-nặc về 4 điều không được xem thường là :”vị hoàng tử nhỏ, con rắn nhỏ, ngọn lửa nhỏ, người tu sĩ nhỏ tuổi”, chúng ta biết rằng “ngọn lửa nhỏ sẽ tạo thành một đám lửa to”. Đúng vậy, nhân mùa xuân, mùa Tết mà các tăng ni, tu sĩ mồi được một ngọn lửa nhỏ về lòng “từ bi hỷ xả”, về đạo giải thoát sẽ giúp cho người chưa hiểu về đạo Phật sẽ trở thành Phật tử trong một thời gian không xa, đúng như lời Phật dạy :

“ Chỉ một câu hữu ích,
Nghe xong tâm bình an,
Hơn tụng cả muôn ngàn,

Những lời kệ vô dụng.(Kinh pháp cú 101).

Hòa thượng THÍCH ĐẠT ĐẠO
Chùa Bát Nhã Bình Thạnh
(1 người đang xem)
Share this article :

0 comments:


Tiếp sức mùa thi 2014

Welcome to Bat Nha Gia Lam

HT. Thích Đạt Đạo nhận bằng tiến sĩ

Hình ảnh lễ Quy Y Tam Bảo

Hoạt đông của Hội Từ Thiện

Âm nhạc Phật Giáo trực tuyến


Nhạc niệm A Di Đà Phật

Doanh nghiệp tài trợ

ParkSon - Thiên đường mua sắm
Thép Toàn Thắng - Niềm tin của mọi công trình
Công ty CP XNK Thiên Nam
Trà Lá Sen - Cty Tâm Thảo

Đăng ký theo dõi Website

172546
 
Biên tập: HT.Thích Pháp Không
Thiết kế và cập nhật: Nhuận Trí Lưu - Nhuận Huệ Ngọc
Hosting - domain: Clb IMV and Tin Nhanh Trong Ngày